1. Bệnh Crohn là gì?
Bệnh Crohn (Crohn’s disease) là tình trạng xuất hiện viêm nhiễm nặng và áp xe thường xảy ra tại ruột non và đại tràng. Bệnh lý này có thể gây đau bụng, tiêu chảy, mệt mỏi, suy nhược, sụt cân, suy dinh dưỡng thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Hội chứng Crohn là bệnh lý thuộc nhóm bệnh viêm ruột (IBD) mạn tính. Hiện nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh và cách điều trị bệnh Crohn triệt để. Các biện pháp chăm sóc và điều trị bệnh Crohn có thể làm giảm đáng kể các dấu hiệu và triệu chứng, thậm chí mang lại sự thuyên giảm lâu dài. Hiệu quả điều trị phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh Crohn từ nhẹ đến nặng.
2. Nguyên nhân nào khiến bạn bị bệnh Crohn?
Các nguyên nhân gây bệnh Crohn bao gồm:
- Nhiễm khuẩn đường ruột: Hệ miễn dịch tấn công cả tế bào khỏe mạnh sau khi loại bỏ tác nhân nhiễm trùng, gây viêm loét.
- Yếu tố di truyền: Người có đột biến gen liên quan đến bệnh Crohn hoặc gia đình có người mắc bệnh sẽ có nguy cơ cao.
- Tuy chưa được xác định chính xác, một số nghiên cứu ghi nhận do yếu tố môi trường: Khói bụi, ô nhiễm có thể góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
3. Những triệu chứng nào thường gặp khi bạn bị bệnh Crohn?
Dấu hiệu nhận biết và các triệu chứng ban đầu của bệnh Crohn có thể xuất hiện bao gồm:
- Rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy hoặc táo bón kéo dài có thể dẫn đến tắc ruột.
- Sốt, mệt mỏi kéo dài.
- Đau thượng vị, đau bụng dưới hoặc xuất hiện các cơn co thắt vùng bụng.
- Xuất hiện máu lẫn trong phân (đi ngoài ra máu) có thể là máu đỏ tươi hoặc màu sẫm.
- Lở miệng, chán ăn, sụt cân không kiểm soát.
- Đau, tiết dịch gần hoặc xung quanh hậu môn do viêm các tuyến da.
- Đổ mồ hôi đêm.
- Mất chu kỳ kinh nguyệt.
4. Làm thế nào để chẩn đoán chính xác bệnh lý Crohn?
* Khám lâm sàng
Khám lâm sàng sẽ bao gồm các bước thăm khám và thu thập thông tin sức khỏe của bạn như:
- Thăm khám bụng, nghe nhịp thở, mạch đập.
- Xem xét các triệu chứng, biểu hiện mà bệnh nhân đang gặp phải.
- Kiểm tra hồ sơ tiền sử bệnh án đặc biệt là các bệnh tiêu hóa, các phẫu thuật, dị ứng với thuốc nếu có.
- Kiểm tra các loại thuốc đã và đang sử dụng được kê đơn hoặc mua ngoài kể cả thực phẩm chức năng.
- Hỏi tiền sử bệnh của gia đình có liên quan.
* Xét nghiệm
Bạn có thể thực hiện một hoặc nhiều xét nghiệm để loại trừ các bệnh lý liên quan đến bệnh viêm ruột Crohn như viêm đại tràng, thiếu máu, xuất huyết tiêu hóa, nhiễm trùng đường tiêu hóa, ung thư tiêu hóa,… như xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu (CBC), xét nghiệm máu ẩn trong phân.
Một số xét nghiệm khác để xác định chính xác tình trạng hội chứng Crohn mà bác sĩ có thể chỉ định như xét nghiệm kháng thể (ASCA, pANCA), xét nghiệm chức năng gan, đo mật độ xương bằng phương pháp DXA ở mọi độ tuổi và giới tính.
* Chẩn đoán hình ảnh
Thông qua chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ có thể phát hiện được tắc nghẽn, áp xe, lỗ rò hoặc các nguyên nhân khác giúp phân biệt bệnh Crohn với các bệnh lý tiêu hóa khác: chụp cắt lớp vi tính (CT scan), chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp X-quang.
* Nội soi đại tràng
Nội soi tiêu hóa là phương pháp chính xác nhất trong chẩn đoán Crohn’s disease và loại trừ các trường hợp có triệu chứng tương tự khác. Phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe, dấu hiệu tổn thương và kết quả trong bước khám lâm sàng, bạn có thể thực hiện một trong các phương pháp nội soi sau đây:
- Nội soi dạ dày: Quan sát thực quản, dạ dày, tá tràng, và phần trên ruột non.
- Nội soi đại trực tràng: Xem toàn bộ đại tràng, trực tràng, ống hậu môn để xác định tổn thương do Crohn.
- Nội soi toàn bộ ống tiêu hóa: Quan sát toàn diện, xác định mức độ và vị trí viêm.
- Nội soi đại tràng sigma: Tập trung vào phần xa đại tràng và ống hậu môn.
- Nội soi viên nang: Nuốt camera nhỏ dạng viên nang để ghi lại hình ảnh toàn bộ ống tiêu hóa.
5. Những biến chứng bạn có thể gặp khi bệnh Crohn kéo dài?
Crohn’s disease có thể dẫn đến một hoặc nhiều biến chứng sau:
- Tắc ruột.
- Viêm loét ống tiêu hóa.
- Xuất hiện lỗ rò gây thủng ống tiêu hóa, áp xe, nhiễm trùng, có thể nguy hiểm đến tính mạng.
- Nứt hậu môn.
- Sụt cân không kiểm soát, suy dinh dưỡng.
- Xuất hiện các khối máu đông trong tĩnh mạch và động mạch.
- Ung thư đại – trực tràng và ung thư hậu môn.
- Các vấn đề sức khỏe khác như thiếu máu, loãng xương, viêm khớp, viêm túi mật, viêm gan,…
- Gây ra các bệnh lý khác như loãng xương, đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, đái tháo đường, huyết áp cao,…
6. Cách điều trị và phòng ngừa bệnh Crohn?
* Điều trị bệnh Crohn
Hiện nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm ra được phương pháp điều trị bệnh Crohn triệt để. Nguyên tắc điều trị chung của Crohn’s disease là làm giảm đáng kể các dấu hiệu và triệu chứng.
Sử dụng thuốc
Để làm giảm các triệu chứng và dấu hiệu của hội chứng Crohn, bác sĩ sẽ cho người bệnh sử dụng các loại thuốc điều trị bệnh Crohn như chống viêm, thuốc ức chế hệ thống miễn dịch, thuốc kháng sinh, hoạt chất sinh học, thay đổi chế độ ăn uống của người bệnh và có thể thực hiện phẫu thuật nếu bệnh tiến triển nặng.
Lưu ý: Bệnh nhân chỉ sử dụng các loại thuốc điều trị bệnh Crohn theo chỉ định của bác sĩ tại các cơ sở y tế uy tín.
Liệu pháp dinh dưỡng
Bác sĩ sẽ đề nghị liệu pháp dinh dưỡng đặc biệt như truyền chất dinh dưỡng qua đường uống hoặc qua tĩnh mạch để điều trị bệnh Crohn. Liệu pháp dinh dưỡng này giúp hệ thống tiêu hóa của người bệnh được nghỉ ngơi mà vẫn đáp ứng đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể.
Trong thời gian hạn chế ruột hoạt động, bác sĩ có thể điều trị kết hợp các loại thuốc ức chế hệ thống miễn dịch giúp làm giảm tình trạng viêm.
Phẫu thuật cắt bỏ
Phẫu thuật áp dụng khi các liệu pháp khác không hiệu quả và triệu chứng bệnh trở nên nghiêm trọng. Theo CCFA, khoảng 70% bệnh nhân Crohn cần phẫu thuật ít nhất một lần, nhưng phương pháp này không chữa khỏi hoàn toàn.
Bác sĩ sẽ cắt bỏ đoạn ruột tổn thương, nối phần ruột khỏe mạnh hoặc thực hiện các can thiệp như mở rộng ruột, đóng lỗ rò, dẫn lưu áp xe. Tuy nhiên, bệnh có thể tái phát tại vị trí nối, nguy cơ nhiễm trùng và xuất huyết vẫn tồn tại. Kết hợp phẫu thuật với thuốc là cách tối ưu để giảm nguy cơ tái phát.
* Cách phòng ngừa bệnh Crohn
Dù chưa xác định chính xác nguyên nhân, bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh Crohn bằng cách:
- Khám sức khỏe định kỳ mỗi năm, nội soi tiêu hóa 10 năm/lần (trên 50 tuổi).
- Nội soi sớm hơn 10 năm so với tuổi người thân mắc Crohn nếu có tiền sử gia đình.
- Ngừng hút thuốc, hạn chế rượu bia, chất kích thích như cà phê, trà.
- Ăn uống khoa học, tăng cường chất xơ, giảm thực phẩm giàu chất béo.
- Không lạm dụng thuốc kháng sinh, giảm đau, chống viêm NSAID, và luôn hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc.
- Gặp bác sĩ ngay nếu có triệu chứng bất thường như đau bụng, tiêu chảy kéo dài, buồn nôn, hoặc mệt mỏi.
7. Khi nào bạn cần gặp bác sĩ tiêu hoá?
Bạn hãy đến gặp bác sĩ tại bệnh viện/trung tâm khám nội soi tiêu hóa càng sớm càng tốt nếu cơ thể bạn xuất hiện các dấu hiệu hoặc triệu chứng của bệnh Crohn như trên. Ngoài ra, bạn cũng nên chú ý một số dấu hiệu cảnh báo sau đây:
- Đau bụng mạn tính, táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài.
- Máu lẫn trong phân (tiêu ra máu).
- Buồn nôn, sốt không rõ nguyên nhân liên tục 1 – 2 ngày, cân nặng giảm không kiểm soát.