Đi ngoài ra máu

Bạn thân mến, mời bạn đọc bài viết "Đi ngoài ra máu" được bác sĩ tiêu hoá Doctor Check đơn giản hoá dành riêng cho bạn.

1. Đi ngoài ra máu là gì?

Đi cầu ra máu hay còn có thể gọi là đi ngoài ra máu, đi tiêu ra máu, đại tiện ra máu hoặc phân có máu, là triệu chứng bệnh lý xuất hiện do nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến lớp niêm mạc ống tiêu hóa, dẫn đến chảy máu. Nguồn máu có thể bắt nguồn từ nhiều vị trí khác nhau trong hệ thống tiêu hóa, bao gồm thực quản, dạ dày, tá tràng, đại tràng, trực tràng hoặc hậu môn.

Phân loại triệu chứng đi ngoài ra máu:

  • Tiêu ra phân đen là tình trạng đi cầu ra máu với phân đen, sệt và dính giống như hắc ín hoặc dạng bã cà phê, có mùi đặc trưng (khác biệt so với bình thường).
  • Tiêu ra máu đỏ là đi ngoài ra máu đỏ tươi có thể kèm với phân.

2. Nguyên nhân nào khiến bạn đi ngoài ra máu?

Triệu chứng tiêu ra phân đen thường do các bệnh lý xảy ra trong đường tiêu hóa trên như: 

  • Loét dạ dày – tá tràng. 
  • Giãn tĩnh mạch dạ dày – thực quản. 
  • Ung thư dạ dày, thực quản hoặc tá tràng. 
  • Hội chứng Mallory – Weiss.

Triệu chứng đi ngoài ra máu đỏ tươi thường do các bệnh lý xảy ra tại ống tiêu hóa dưới đặc biệt là ở đại tràng như: 

  • Bệnh trĩ
  • Viêm túi thừa
  • Nứt hậu môn
  • Nhiễm trùng đường tiêu hóa
  • Bệnh lý ruột mạn tính (IBD)
  • Polyp đại tràng

3. Đi ngoài ra máu là dấu hiệu của bệnh gì?

Đi ngoài ra máu có thể là dấu hiệu cho thấy tình trạng y tế khẩn cấp. Một số bệnh lý có thể gây triệu chứng tiêu phân máu như bệnh túi thừa, rò hậu môn, viêm đại tràng, loạn sản mạch, loét dạ dày – tá tràng, polyp hoặc ung thư tiêu hóa. Vì thế, người bệnh nên đến cơ sở y tế thăm khám ngay nếu phát hiện triệu chứng tiêu ra máu.

4 . Làm sao để chẩn đoán chính xác bệnh lý nào làm bạn đi ngoài ra máu?

* Khám lâm sàng

Khám lâm sàng là bước đầu tiên giúp bác sĩ quan sát và chẩn đoán tình trạng đi ngoài ra máu từ nhẹ đến nặng. Bác sĩ sẽ theo dõi các biểu hiện, triệu chứng mà bạn đang gặp phải như:

  • Thời gian bắt đầu xuất hiện máu trong phân? Tần suất có thường xuyên không?
  • Hình dạng và màu sắc phân như thế nào?
  • Thói quen đi tiêu ra sao? Cô bác có hay bị tiêu chảy hay táo bón?
  • Vị trí đau bụng ở đâu mỗi khi có cảm giác muốn đi cầu?
  • Có xuất hiện một số triệu chứng đi kèm nào khác không?

Ngoài ra ở bước khám lâm sàng, bác sĩ sẽ quan sát và dùng tay mang găng khám hậu môn, trực tràng để đánh giá xem có máu theo găng không, có búi trĩ hay khối u không,…

* Xét nghiệm

Rửa mũi dạ dày (sonde mũi-dạ dày) là thủ thuật có thể cho bác sĩ biết liệu chảy máu ở đường tiêu hóa trên hay dưới. 

Bác sĩ có thể sẽ thực hiện một số xét nghiệm khác nhằm tìm dấu hiệu của vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng đặc biệt là vi khuẩn Helicobacter pylori thường gây viêm và loét dạ dày, như xét nghiệm máu, xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân, xét nghiệm nhiễm khuẩn trong phân, xét nghiệm hơi thở.

* Chẩn đoán hình ảnh

Sau khi xác định được vị trí tổn thương, bác sĩ có thế chỉ định bạn thực hiện thêm một số chẩn đoán hình ảnh để xác định mức độ xâm lấn và kích thước tổn thương bên trong ruột, bao gồm chụp X-quang, chụp mạch máu.

* Nội soi ống tiêu hóa

Nội soi tiêu hóa là tiêu chuẩn vàng trong việc chẩn đoán các bệnh lý ống tiêu hóa và tìm ra nguyên nhân gây nên triệu chứng đi ngoài ra máu. Ngoài ra, thông qua nội soi bác sĩ có thể quan sát toàn bộ ống tiêu hóa giúp chẩn đoán mức độ tổn thương và thực hiện sinh thiết tế bào giải phẫu bệnh để xác định các bệnh thường có triệu chứng đi cầu ra máu như viêm loét, xuất huyết tiêu hóa, bệnh viêm ruột, ung thư,…

Các phương pháp nội soi thường được bác sĩ chỉ định như:

  • Nội soi tiêu hóa trên (bao gồm nội soi thực quản, nội soi dạ dày và nội soi tá tràng
  • Nội soi đại – trực tràng
  • Nội soi đường ruột

5. Cách điều trị và phòng ngừa đi ngoài ra máu?

* Cách điều trị triệu chứng đi ngoài ra máu

Một số phương pháp hỗ trợ giảm triệu chứng đi cầu ra máu bao gồm:

  • Nội soi đầu dò nhiệt: sử dụng nhiệt để đốt các vết viêm loét giúp cầm máu ngay lập tức.
  • Kẹp nội soi: một dụng cụ nhỏ được kẹp vào xung quanh vết thương để ngăn chảy máu.
  • Nội soi tiêm: tiêm dung dịch gần vết thương để ngăn máu chảy.
  • Thắt dây cao su: được sử dụng đối với bệnh trĩ.

Nếu nội soi không hiệu quả, chụp mạch máu hoặc phẫu thuật có thể được áp dụng để kiểm soát xuất huyết.

Sau khi cầm máu, tiến hành điều trị nguyên nhân gây ra xuất huyết: dùng thuốc, phẫu thuật loại bỏ tổn thương.

* Cách phòng ngừa triệu chứng đi ngoài ra máu

Để phòng ngừa đi cầu ra máu bạn nên hạn chế tỷ lệ mắc bệnh tiêu hóa, bao gồm:

  • Thực hiện thăm khám sức khỏe tổng quát mỗi năm và nội soi tiêu hóa định kỳ mỗi 5 đến 10 năm một lần tuỳ theo độ tuổi được khuyến cáo.
  • Xây dựng một chế độ ăn uống nhiều chất xơ, khoa học, hợp lý và phù hợp với tình trạng sức khỏe của bản thân.
  • Hạn chế sử dụng thuốc lá, rượu bia, thức uống chứa cồn và các chất kích thích.
  • Hạn chế các thực phẩm cay nóng, sản phẩm chế biến sẵn hoặc được lên men.
  • Uống đủ lượng nước cần cung cấp cho cơ thể mỗi ngày.

6. Khi nào bạn cần phải gặp bác sĩ tiêu hoá?

Bạn cần đến gặp bác sĩ tại các cơ sở ý tế hoặc phòng khám dạ dày để được thăm khám, chẩn đoán và đưa ra phương pháp điều trị kịp thời nếu xuất hiện tình trạng đi ngoài ra máu (đã loại trừ do thức ăn hay thuốc).

Ngoài ra, bạn hãy đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt khi cơ thể xuất hiện các biểu hiện khác như đau bụng kéo dài, thay đổi thói quen đi tiêu, sốt hoặc sụt cân không rõ nguyên nhân,… cho dù có thấy tiêu ra máu hay không, vì trong một số trường hợp chảy máu ít sẽ khó nhận biết bằng mắt thường trong khi bệnh đã diễn tiến.

7. Để biết chính xác bệnh lý khiến bạn đi ngoài ra máu và cách điều trị, Bạn hãy đặt lịch khám miễn phí cùng bác sĩ tiêu hoá Doctor Check.