1. Hội chứng ruột kích thích là gì?
Hội chứng ruột kích thích được định nghĩa là hiện tượng xuất hiện các cơn đau bụng hoặc thay đổi thói quen đi tiêu mà không bắt nguồn từ các tổn thương (viêm, loét) và không có rối loạn cấu trúc hay sinh hóa ở ruột.
2. Nguyên nhân nào khiến bạn bị hội chứng ruột kích thích?
Hội chứng ruột kích thích (IBS) có liên quan mật thiết đến các yếu tố tâm lý và yếu tố sinh lý.
- Yếu tố tâm lý bao gồm các bệnh lý như căng thẳng, trầm cảm, lo âu, rối loạn giấc ngủ,… xảy ra trong một thời gian dài khiến các triệu chứng nặng hơn.
- Yếu tố sinh lý bao gồm:
- Co thắt cơ trong ruột mạnh và kéo dài hơn bình thường có thể gây đầy hơi, chướng bụng và tiêu chảy
- Nhiễm trùng ống tiêu hóa nặng
- Một số loại thực phẩm và thói quen ăn uống có thể kích thích hoặc khiến các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích nghiêm trọng hơn như ăn nhiều dầu mỡ, lúa mì, bơ sữa, đậu, sô cô la, cà phê, trà, chất làm ngọt nhân tạo. Một số loại trái cây và rau củ khó tiêu như mơ, măng tây hoặc bông cải xanh cũng có nguy cơ dẫn đến hội chứng ruột kích thích.
- Tác dụng phụ khi sử dụng thuốc kháng sinh.
- Yếu tố di truyền.
- Thay đổi nội tiết tố do chu kỳ kinh nguyệt.
3. Những triệu chứng nào thường gặp khi bạn bị hội chứng ruột kích thích?
Triệu chứng của hội chứng ruột kích thích thường xuất hiện là thay đổi tần suất đi tiêu. Ngoài ra, hội chứng này còn có thể kèm theo các dấu hiệu khác:
- Đau bụng, co thắt cơ bụng hoặc chướng bụng.
- Nhu động ruột thay đổi bất thường.
- Thường bị táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài.
- Có chất nhầy trong phân.
- Đầy hơi, khó tiêu.
- Buồn nôn.
- Các triệu chứng ngoài đường tiêu hóa (đau đầu, mệt mỏi, khó ngủ,…).
4. Làm thế nào để chẩn đoán chính xác bệnh lý hội chứng ruột kích thích?
* Khám lâm sàng
Bác sĩ sẽ thăm hỏi về các triệu chứng mà người bệnh gặp phải để đưa ra chẩn đoán về hội chứng ruột kích thích (IBS). Bác sĩ sẽ chẩn đoán một người mắc hội chứng ruột kích thích nếu người đó bị đau bụng đi kèm với hai hoặc nhiều hơn các triệu chứng khác.
Sau khi đã kiểm tra xong các dấu hiệu hội chứng ruột kích thích (IBS), Bác sĩ sẽ hỏi người bệnh các vấn đề về tiền sử bệnh cá nhân và gia đình.
* Xét nghiệm
Bạn có thể được yêu cầu làm nhiều xét nghiệm hơn cần thiết để chẩn đoán chính xác và phát hiện sớm các bệnh lý ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa như:
- Xét nghiệm không dung nạp lactose
- Kiểm tra hơi thở
- Xét nghiệm máu
- Xét nghiệm phân
* Chẩn đoán hình ảnh
- Chụp X–quang đại tràng: trong một số trường hợp, các bác sĩ sẽ áp dụng phương pháp chụp X–quang đại tràng để có thể quan sát hình ảnh toàn bộ đại tràng.
- Chụp CT: các bác sĩ sẽ chụp CT ổ bụng và vùng xương chậu để loại trừ các nguyên nhân gây ra các triệu chứng của Bạn nhằm xác định chính xác bệnh.
* Nội soi đại tràng
Nội soi đại trực tràng: nếu phát hiện các triệu chứng nghi ngờ hoặc bạn nằm trong nhóm đối tượng có tỷ lệ mắc ung thư đại tràng cao như người trên 50 tuổi, có tiền sử bệnh tiêu hóa, đã cắt polyp hoặc người thân mắc ung thư trực tràng, đại tràng,… bác sĩ sẽ chỉ định bạn nội soi toàn bộ ống tiêu hóa dưới bao gồm đại tràng, trực tràng và ống hậu môn.
5. Những biến chứng bạn có thể gặp khi hội chứng ruột kích thích kéo dài?
Hội chứng ruột kích thích không gây ra các biến chứng nguy hiểm hoặc dẫn đến ung thư tiêu hóa. Tuy nhiên, táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài nếu không được điều trị sớm có thể dẫn đến bệnh trĩ, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và tâm lý của người bệnh như mệt mỏi, chán nản hoặc trầm cảm.
Bên cạnh đó, hội chứng ruột kích thích cũng khiến bạn chán ăn và kém hấp thu chất dinh dưỡng dẫn đến cơ thể bị thiếu chất, lâu ngày sẽ bị suy dinh dưỡng, sụt cân không kiểm soát.
6. Cách điều trị và phòng ngừa hội chứng ruột kích thích?
* Điều trị hội chứng ruột kích thích
Hiện nay chưa có phương pháp trị dứt điểm hội chứng ruột kích thích (IBS). Do đó, phác đồ điều trị bệnh tốt nhất là làm giảm các triệu chứng bệnh lý bằng các biện pháp như:
- Điều trị hội chứng ruột kích thích bằng phương pháp tâm lý.
- Sử dụng thuốc hỗ trợ điều trị hội chứng ruột kích thích.
- Thay đổi chế độ dinh dưỡng.
* Cách phòng ngừa hội chứng ruột kích thích
Một chế độ ăn uống khoa học và thói quen sinh hoạt lành mạnh là cách giúp phòng ngừa hội chứng ruột kích thích hiệu quả:
- Hạn chế dùng các loại thực phẩm có hại cho hệ tiêu hóa như bánh mì ngũ cốc tinh chế, khoai tây chiên, cà phê, nước có gas, rượu bia, phô mai,…
- Hạn chế tối thiểu thức ăn nhanh, thực phẩm nhiều dầu mỡ, chiên đi chiên lại nhiều lần.
- Chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ, từ 3 bữa lớn thành 5 bữa nhỏ.
- Ăn uống đúng giờ, khoa học, không bỏ bữa, phân chia khẩu phần ăn hợp lý theo gợi ý của các chuyên gia dinh dưỡng.
- Uống nhiều nước lọc, uống nước trước khi ăn và không uống trong bữa ăn.
- Hạn chế ảnh hưởng do căng thẳng, lo lắng và áp lực.
Ngoài ra, để phát hiện sớm các dấu hiệu gây bệnh và đưa ra phương pháp can thiệp kịp thời, bác sĩ khuyến cáo bạn nên thực hiện nội soi tiêu hóa và tầm soát ung thư tiêu hóa định kỳ, đặc biệt là tầm soát ung thư đại tràng.
7. Khi nào bạn cần gặp bác sĩ tiêu hoá?
Hội chứng ruột kích thích (IBS) có khuynh hướng khởi phát ở tuổi vị thành niên đặc biệt trong độ tuổi 20, gây ra các triệu chứng tái phát ở các giai đoạn khác nhau. Vì vậy, khi nhận thấy sự thay đổi liên tục trong thói quen đi tiêu hoặc các triệu chứng nghiêm trọng hơn, người bệnh nên đến bệnh viện/trung tâm nội soi dạ dày, đại trực tràng để kiểm tra và điều trị sớm. Cụ thể như:
- Sụt cân.
- Tiêu chảy nhiều về đêm.
- Chảy máu trực tràng, đi ngoài ra máu.
- Thiếu máu thiếu sắt.
- Nôn ói không rõ nguyên nhân.
- Cơn đau không giảm sau khi trung tiện hay đi ngoài.