Polyp đại tràng

Bạn thân mến,

có phải bạn bị tiêu chảy, táo bón, đau quặn bụng suốt một tuần? Nếu vậy thì nhiều khả năng bạn đang mắc bệnh Polyp đại tràng.

Mời bạn đọc bài viết “ Polyp đại tràng ” được các bác sĩ của Doctor Check đơn giản hoá dành riêng cho bạn.

1. Polyp đại tràng là gì?

Polyp đại tràng hay polyp đại – trực tràng, là khối u nhỏ được hình thành trên lớp niêm mạc đại trực tràng. Tình trạng đa polyp thường xuất hiện tại trực tràng và đại tràng sigma, tỷ lệ xuất hiện polyp giảm dần khi lên tới manh tràng.

Phần lớn các polyp đại tràng đều lành tính, nhưng theo thời gian một số polyp đột biến và có nguy cơ phát triển thành ung thư đại tràng. Các polyp đột biến này được gọi là polyp tuyến (adenoma). Tỷ lệ polyp tuyến được tìm thấy ở bệnh nhân ung thư đại tràng là 25%.

2. Nguyên nhân nào khiến bạn Polyp đại tràng?

Những yếu tố làm tăng khả năng xuất hiện polyp đại tràng, bao gồm:

Trên 50 tuổi

Tỷ lệ mắc polyp tăng theo tuổi, đặc biệt ở người trên 50. Khoảng 30% người Mỹ trên 50 tuổi bị polyp, nhưng trẻ em cũng có thể mắc.

Có tiền sử bệnh lý về đại tràng

Những người có tiền sử bệnh lý về đại tràng như viêm đại tràng, loét đại tràng, bệnh Crohn, bệnh lý ruột mạn tính (IBD), ung thư đại tràng,… có nhiều nguy cơ bị polyp đại tràng.

Thói quen hút thuốc

Hút thuốc thời gian dài làm tăng nguy cơ mắc polyp đại – trực tràng về cả số lượng và kích thước.

Béo phì

Người có BMI >30 dễ mắc polyp và ung thư đại tràng.

Giới tính

Polyp đại tràng có thể xảy ra ở cả nam và nữ, nhưng tỷ lệ nam giới có nguy cơ mắc polyp đại tràng cao hơn so với nữ giới.

Yếu tố di truyền

Polyp và ung thư đại tràng cũng có thể xảy ra do yếu tố di truyền, tuy nhiên nguyên nhân này không quá phổ biến.

3. Những triệu chứng nào thường gặp khi bạn bị Polyp đại tràng?

Các triệu chứng của polyp đại tràng là:

  • Thay đổi thói quen đại tiện: Tiêu chảy, táo bón hoặc đau bụng kéo dài hơn một tuần.
  • Màu sắc phân thay đổi: Người mắc polyp đại tràng có thể thấy máu (vệt đỏ) lẫn trong phân khi đi ngoài hoặc tiêu ra phân đen. Tuy nhiên, cần loại trừ các nguyên nhân làm màu phân thay đổi như là một số loại thực phẩm, thuốc, thực phẩm chức năng.
  • Chảy máu trực tràng: Đây có thể là dấu hiệu của polyp đại – trực tràng, ung thư hoặc các tình trạng khác như bệnh trĩ hay có vết rách nhỏ ở hậu môn. Bệnh nhân sẽ có dấu hiệu đi ngoài ra máu, xuất hiện máu trên giấy vệ sinh hoặc các vệt máu trong bồn cầu sau khi đi vệ sinh.
  • Thiếu máu do thiếu sắt: Xuất huyết do polyp đại – trực tràng có thể xảy ra từ từ theo thời gian. Nếu tình trạng này kéo dài (mạn tính) mạn tính có thể dẫn đến thiếu máu do thiếu sắt, gây mệt mỏi, da nhợt nhạt,…

4. Làm thế nào để chẩn đoán chính xác bệnh lý Polyp đại tràng?

* Khám lâm sàng 

Bác sĩ sẽ hỏi về triệu chứng, tiền sử bệnh, thuốc đang dùng, dị ứng thuốc, tiền sử gia đình mắc polyp hoặc ung thư tiêu hóa, và việc từng hóa trị, xạ trị để có cái nhìn tổng quan về tình trạng sức khỏe. bạn nên trả lời cụ thể và chi tiết để hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán.

* Xét nghiệm

Một số xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân được ứng dụng để phát hiện sự hiện diện của polyp đại – trực tràng. Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện xét nghiệm di truyền để hỗ trợ chẩn đoán nguyên nhân.

* Chẩn đoán hình ảnh

Bên cạnh việc thực hiện các xét nghiệm, bác sĩ có thể sử dụng một số phương pháp chẩn đoán hình ảnh như là chụp đối quang kép với thuốc cản quang Bari, nội soi đại tràng ảo (CT đại tràng).

* Nội soi đại tràng

Nội soi đại tràng là phương pháp tốt nhất để bác sĩ quan sát và chẩn đoán tình trạng bệnh polyp đại tràng. Dựa vào tình trạng sức khỏe và các chẩn đoán lâm sàng các bác sĩ có thể chỉ định phương pháp nội soi đại tràng sigma hoặc nội soi đại tràng toàn bộ. Trong quá trình nội soi nếu bác sĩ phát hiện các bất thường có thể loại bỏ và gửi chúng đến phòng thí nghiệm để kiểm tra tỷ lệ ung thư hóa. Quá trình nội soi có thể mất khoảng 30 phút.

5. Những biến chứng bạn có thể gặp khi Polyp đại tràng kéo dài?

Loại bỏ sớm các polyp đại tràng khi phát hiện sớm giúp hạn chế tối đa các biến chứng. Nếu không điều trị triệt để, một số biến chứng có thể xảy ra như:

  • Xuất huyết đại tràng dẫn đến thiếu máu, thiếu sắt khiến cơ thể suy nhược, mệt mỏi, sụt cân không kiểm soát,…
  • Đau bụng, tiêu chảy kéo dài.
  • Tắc ruột.
  • Ung thư đại – trực tràng.

6. Cách điều trị và phòng ngừa bệnh Polyp đại tràng?

* Điều trị Polyp đại tràng

Các phương pháp điều trị polyp đại tràng là:

  • Thủ thuật cắt polyp đại tràng qua nội soi: đối với khối u có kích thước từ 0,4 – 1cm
  • Phẫu thuật ít xâm lấn: đối với các polyp đại tràng quá lớn, polyp không có cuống hoặc polyp nằm sát thành niêm mạc không thể cắt bằng nội soi
  • Phẫu thuật cắt bỏ đại tràng hoặc trực tràng: đối với người mắc các hội chứng di truyền như FAP, hội chứng Lynch,…

* Cách phòng ngừa Polyp đại tràng

  • Thực hiện chế độ ăn lành mạnh: Bổ sung nhiều thực phẩm giàu chất xơ (ngũ cốc, đậu lăng, đậu Hà Lan,…), rau xanh, trái cây. Đồng thời, bệnh nhân nên hạn chế thịt đỏ, thịt chế biến sẵn và thực phẩm giàu chất béo.
  • Duy trì cân nặng: Nên kiểm soát cân nặng ổn định, bởi béo phì có thể là một trong những yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng hình thành polyp đại tràng.
  • Hạn chế bia rượu và thuốc lá: Tránh uống rượu quá nhiều và không hút thuốc lá. Đây có thể là yếu tố làm tăng tỷ lệ mắc polyp đại – trực tràng.

7. Khi nào bạn cần gặp bác sĩ tiêu hoá?

Mặc dù phần lớn các polyp là lành tính nhưng bác sĩ sẽ loại bỏ chúng để phòng ngừa rủi ro. Do đó, bạn nên đến gặp Bác sĩ để được tư vấn và thực hiện các cận lâm sàng nhằm kiểm tra tình trạng sức khỏe, khi xuất hiện các triệu chứng:

  • Đau bụng.
  • Máu lẫn trong phân.
  • Thay đổi thói quen đại tiện kéo dài hơn một tuần.
  • Nếu gia đình có người thân bị ung thư tiêu hóa hoặc polyp đại – trực tràng, bạn nên thực hiện nội soi định kỳ sớm hơn 10 năm so với số tuổi người thân mắc bệnh.

 

8. Để biết chính xác bạn có bị bệnh Polyp đại tràng và cách điều trị hiệu quả, hãy liên hệ ngay để đặt lịch khám miễn phí cùng bác sĩ tiêu hoá của Doctor Check.