Tiêu chảy

Bạn thân mến, Có phải bạn bị đau quặn bụng, cảm giác đầy hơi, chướng bụng, đi ngoài phân lỏng? Nếu vậy thì nhiều khả năng bạn đang mắc bệnh Tiêu chảy.

Mời bạn đọc bài viết “ Tiêu chảy ” được các bác sĩ của Doctor Check đơn giản hoá dành riêng cho bạn.

1. Tiêu chảy là gì?

Bệnh tiêu chảy là tình trạng đi ngoài (đại tiện) phân lỏng hoặc nước từ 3 lần trở lên trong 24 giờ. Nếu tình trạng bệnh tiêu chảy kéo dài hoặc tiêu chảy ồ ạt có thể khiến cơ thể mất nước, chất điện giải, người bệnh cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức,… thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

2. Nguyên nhân nào khiến bạn Tiêu chảy?

Một số nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy cấp tính phổ biến là:

  • Nhiễm trùng đường ruột
  • Tác dụng phụ của thuốc
  • Không dung nạp đường lactose
  • Tiêu chảy khi mang thai

Nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy mạn tính, kéo dài có thể do:

  • Chế độ ăn uống
  • Dị ứng thức ăn
  • Tác dụng phụ của thuốc
  • Nhiễm trùng đường ruột
  • Bệnh viêm ruột (IBD)

Một số nguyên nhân ít gặp có thể gây ra bệnh tiêu chảy mạn tính, bao gồm:

  • Hội chứng ruột kích thích (IBS): Rối loạn chức năng của đại tràng có thể gây tiêu chảy, táo bón hoặc táo bón xen kẽ tiêu chảy.
  • Rối loạn nội tiết: Ví dụ cường giáp, đái tháo đường gây ra các vấn đề về đại tiện.
  • Phẫu thuật: Tiêu chảy có thể là một biến chứng của một số loại phẫu thuật ổ bụng hoặc ống tiêu hóa.
  • Các khối u hiếm gặp như khối u carcinoid tiết ra chất gây tiêu chảy.

3. Những triệu chứng nào thường gặp khi bạn bị tiêu chảy?

Các triệu chứng xuất hiện phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, vì thế bạn có thể gặp một hoặc nhiều các triệu chứng bệnh tiêu chảy, bao gồm:

  • Đi ngoài phân lỏng, nhiều nước.
  • Cảm giác đầy hơi, chướng bụng, co thắt cơ bụng.
  • Đau quặn bụng.
  • Sốt.
  • Xuất hiện máu, dịch nhầy trong phân.
  • Buồn nôn.

4. Làm thế nào để chẩn đoán chính xác bệnh lý Tiêu chảy?

* Khám lâm sàng
Trong bước khám lâm sàng, các bác sĩ sẽ hỏi các triệu chứng, dấu hiệu, tiền sử bệnh, thời gian xuất hiện, tần suất và mức độ nghiêm trọng của bệnh tiêu chảy.

* Xét nghiệm
Xét nghiệm máu và xét nghiệm phân là hai loại xét nghiệm thường được sử dụng để tìm ra nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy.
Đối với các trường hợp mắc tiêu chảy mạn tính kéo dài từ 3 – 4 tuần hoặc 1 – 3 tuần đối với những bệnh nhân bị suy giảm hệ miễn dịch, bác sĩ cần phải thực hiện thêm xét nghiệm chất béo để xác định tình trạng kém hấp thu.

* Chẩn đoán hình ảnh
Trong quá trình thăm khám, Bác sĩ có thể chỉ định một số chẩn đoán hình ảnh như:
Siêu âm để loại trừ các vấn đề bất thường về cấu trúc của hệ tiêu hóa.
Chụp cắt lớp vi tính (CT scan) bụng có thể cần thiết để đánh giá vị trí, kích thước các khối u, ổ viêm loét và tình trạng hoạt động của ruột.

* Nội soi tiêu hóa
Nội soi tiêu hóa không chỉ dùng để chẩn đoán các bệnh lý của ống tiêu hóa (ống tiêu hoá trên, ống tiêu hoá dưới), mà còn giúp tầm soát ung thư ống tiêu hóa hiệu quả. Với nội soi, bác sĩ có thể phát hiện tổn thương nghi ngờ và làm sinh thiết mẫu mô bất thường gửi giải phẫu bệnh, từ đó chẩn đoán bệnh lý ở mức tế bào giúp phát hiện ung thư sớm.

5. Những biến chứng bạn có thể gặp khi Tiêu chảy kéo dài?

Các biến chứng của bệnh tiêu chảy có thể gặp phải như:

  • Hăm loét đỏ vùng hậu môn nếu đi ngoài nhiều lần.
  • Suy dinh dưỡng
  • Mất nước

6. Cách điều trị và phòng ngừa bệnh Tiêu chảy?

Điều trị triệu chứng bệnh tiêu chảy

Thuốc cầm tiêu chảy là một biện pháp ngắn hạn, tạm thời để hạn chế tình trạng đi ngoài. Cơ chế hoạt động của thuốc là làm dịu cơ co bóp nhu động ruột có thể giúp làm giảm quá tình tiêu chảy. Một số loại thuốc điều trị tiêu chảy bao gồm:

  • Thuốc Loperamid không kê đơn.
  • Thuốc Opioid như Codeine, Diphenoxylate và Paregoric.
  • Thuốc Eluxadoline được sử dụng cho các bệnh nhân bị tiêu chảy do Hội chứng ruột kích thích (IBS).
  • Thuốc Bismuth cũng có thể được sử dụng nhưng có tác dụng phụ là khiến phân trở thành màu đen.
  • Thuốc Psyllium hoặc Methylcellulose được dùng để điều trị bệnh táo bón mạn tính nhưng đôi khi cũng có thể được sử dụng điều trị tiêu chảy mạn tính.

* Lưu ý: để đảm bảo an toàn và điều trị dứt điểm bệnh tiêu chảy, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất cứ loại thuốc điều trị nào.

Điều trị nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy

Nếu có thể cần tìm nguyên nhân và điều trị để giải quyết tận gốc tình trạng tiêu chảy. Ví dụ, một số bệnh tiêu chảy do nhiễm trùng cần dùng thuốc kháng sinh.
Ở những người bị bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng phải có lộ trình điều trị và theo dõi lâu dài. Nếu tiêu chảy do ăn uống hoặc dị ứng thực phẩm, loại bỏ những thức ăn là nguyên nhân gây bệnh sẽ giải quyết được tình trạng này. Nếu nguyên nhân là do các loại thuốc kháng sinh người bệnh đang sử dụng thì bác sĩ có thể sẽ giảm liều lượng hoặc thay thế bằng một loại kháng sinh khác.

Điều trị biến chứng

Tiêu chảy cấp hay mạn tính đều có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng như mất nước, rối loạn điện giải và suy dinh dưỡng. Do đó, hãy đảm bảo bù đủ nước và điện giải cho cơ thể phòng biến chứng. Nếu người bệnh không tự uống được hoặc trường hợp tiêu chảy mất nước nặng, cần truyền dịch đường tĩnh mạch tại cơ sở y tế. Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng hợp lý cho người bệnh cũng rất quan trọng để mau hồi phục và đề phòng suy dinh dưỡng.
Chữa bệnh tiêu chảy giảm nhẹ biến chứng bằng cách bù nước và chất điện giải sẽ khác nhau ở từng đối tượng.

7. Khi nào bạn cần gặp bác sĩ tiêu hoá?

Bệnh tiêu chảy có thể xảy ra với mọi nguyên nhân ảnh hưởng đến đường tiêu hóa, chúng cũng có thể tự hết sau vài lần đi vệ sinh. Người bệnh cần đến gặp bác sĩ tại cơ sở y tế nếu gặp các dấu hiệu nguy hiểm sau:

  • Tình trạng tiêu chảy kéo dài liên tục sau 2 ngày.
  • Cơ thể bị mất nước khiến nhịp tim tăng, mệt mỏi, đau đầu, khát nước, giảm đi tiểu, lượng nước tiểu ít đi.
  • Đau quặn bụng dữ dội.
  • Đi ngoài ra máu hoặc phân đen.
  • Sốt cao trên 39ºC.

8. Để biết chính xác bạn có bị bệnh Tiêu chảy và cách điều trị hiệu quả, hãy liên hệ ngay để đặt lịch khám miễn phí cùng bác sĩ tiêu hoá của Doctor Check.