1. Tiêu phân nhầy nhớt là gì?
Tiêu phân nhầy nhớt hay đi ngoài ra phân có chất nhầy là tình trạng chất nhầy xuất hiện trong phân nhiều đến mức người bệnh có thể quan sát được bằng mắt thường.
2. Nguyên nhân nào khiến bạn tiêu phân nhầy nhớt?.
Một số bệnh lý ở hệ tiêu hóa là nguyên nhân phổ biến gây tiêu phân nhầy nhớt, chẳng hạn như hội chứng ruột kích thích (IBS), viêm loét đại tràng, nhiễm trùng ống tiêu hóa, nứt hậu môn, tắc ruột, bệnh Crohn,…
Mặc dù các loại virus như cảm lạnh hoặc cúm thường làm tăng sản xuất chất nhầy, nhưng thường chỉ ảnh hưởng đến hệ hô hấp của người bệnh. Tình trạng này hiếm khi làm tăng chất nhầy trong phân. Ngoài ra, mất nước và táo bón có thể khiến lượng chất nhầy từ đại tràng tăng lên đáng kể.
3.Tiêu phân nhầy nhớt là dấu hiệu của bệnh gì?
Triệu chứng tiêu phân nhầy nhớt có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý ống tiêu hóa tiềm ẩn:
- Hội chứng ruột kích thích (IBS)
- Bệnh Crohn
- Viêm loét đại tràng
- Viêm đại tràng dị ứng
- Nhiễm trùng ống tiêu hóa
- Bệnh xơ nang
- Hội chứng kém hấp thu
- Nứt hậu môn
- Tắc ruột
- Ung thư đại – trực tràng
- Ung thư hậu môn
4. Làm sao để chẩn đoán chính xác bệnh lý nào làm bạn tiêu phân nhầy nhớt?
* Khám lâm sàng
Bạn sẽ cung cấp thông tin cụ thể về triệu chứng tiêu phân nhầy nhớt, tiền sử dùng thuốc điều trị bệnh, bệnh sử cá nhân và gia đình. Bên cạnh đó, bạn cũng cần cho bác sĩ biết các thông tin về tiền sử bệnh lý tiêu hóa, phẫu thuật đã được thực hiện trước đây
* Xét nghiệm
Bác sĩ có thể sẽ chỉ định bạn thực hiện một số xét nghiệm sau để chẩn đoán nguyên nhân gây ra triệu chứng tiêu phân nhầy nhớt:
- Xét nghiệm công thức máu toàn phần (CBC)
- Xét nghiệm phân
- Xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân (gFOBT)
* Nội soi ống tiêu hóa
Phụ thuộc vào các triệu chứng và tiểu sử bệnh mà Cô Bác, Anh Chị có thể được chỉ định nội soi một phần hoặc toàn bộ ống tiêu hóa. Các phương pháp nội soi bao gồm:
- Nội soi ống tiêu hóa trên (nội soi dạ dày) để kiểm tra thực quản, dạ dày và tá tràng.
- Nội soi ống tiêu hóa dưới (bao gồm nội soi đại – trực tràng và nội soi hậu môn) để kiểm tra đại – trực tràng và hậu môn.
- Nội soi đường ruột bằng viên nang giúp chẩn đoán bệnh Crohn, khối u ruột non và các tổn thương chảy máu không thấy trên phim chụp X-quang hoặc chụp CT.
5. Cách điều trị và phòng ngừa tiêu phân nhầy nhớt?
* Cách điều trị triệu chứng tiêu phân nhầy nhớt
Một số phương pháp điều trị chứng tiêu phân nhầy nhớt do các bệnh lý gây ra như:
- Tiêu phân nhầy nhớt do nhiễm trùng ống tiêu hóa: sử dụng thuốc kháng sinh hoặc thuốc điều trị tiêu chảy cùng với việc nghỉ ngơi hợp lý sẽ giúp giảm nhẹ và chữa lành các triệu chứng.
- Tiêu phân nhầy nhớt do dị ứng thực phẩm: người bệnh hạn chế sử dụng các thực phẩm gây dị ứng hoặc cơ thể không dung nạp được.
- Tiêu phân nhầy nhớt do bệnh Crohn, xơ nang, viêm loét đại tràng và hội chứng ruột kích thích: sử dụng thuốc kê toa và điều trị liên tục theo chỉ định của bác sĩ điều trị.
- Tiêu phân nhầy nhớt do bệnh nứt hậu môn và loét trực tràng: sử dụng thuốc và phẫu thuật điều trị bệnh kết hợp thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt lành mạnh.
- Tiêu phân nhầy nhớt do táo bón hoặc tiêu chảy: sử dụng một số chế phẩm sinh học không kê đơn và bổ sung men vi sinh. Ngoài ra, người bệnh cần uống nhiều nước, bổ sung các chất điện giải, chất khoáng cho cơ thể.
Lưu ý: Bệnh nhân chỉ sử dụng các loại thuốc điều trị triệu chứng sau khi được thăm khám và theo chỉ định của bác sĩ.
* Cách phòng ngừa triệu chứng tiêu phân nhầy nhớt
Chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt khoa học sẽ có lợi cho đường tiêu hóa, giúp hỗ trợ quá trình điều trị và đảm bảo sức khỏe cho bạn:
- Uống nhiều nước.
- Bổ sung thực phẩm giàu lợi khuẩn Bifidobacterium hoặc Lactobacillus có trong sữa chua, bông atiso, kim chi, măng tây,…
- Hạn chế sử dụng thức ăn nhiều dầu mỡ, cay nóng, có tính axit.
- Bổ sung thực phẩm giàu chất xơ như ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau và các loại đậu.
- Thực phẩm chứa chất béo tự nhiên có lợi cho sức khỏe như bơ, phô mai, sôcôla đen, trứng, cá.
- Giữ vệ sinh cá nhân và rửa tay với xà phòng thường xuyên.
- Nguồn nước hàng ngày luôn phải được đảm bảo vệ sinh.
- Thận trọng khi đi du lịch đặc biệt là những nơi biệt có nguy cơ gây nhiễm ký sinh trùng.
- Kiểm tra sức khỏe tổng quát, tầm soát ung thư tiêu hóa định kỳ.
6. Khi nào bạn cần phải gặp bác sĩ tiêu hoá?
Một lượng lớn chất nhầy có thể nhìn thấy trong phân thường xuyên và ngày càng nhiều. Cô Bác, Anh Chị nên đi thăm khám để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh. Chất nhầy có thể xuất hiện trong phân khi sử dụng thuốc kháng sinh hoặc bị bệnh tuy nhiên triệu chứng sẽ thuyên giảm trong một vài tuần.
Các triệu chứng có thể cho thấy sự hiện diện của một bệnh lý nghiêm trọng đi kèm dấu hiệu có chất nhầy trong phân, bao gồm:
- Xuất hiện máu hoặc mủ lẫn trong phân
- Đau bụng không thuyên giảm
- Chuột rút
- Đầy hơi
- Thay đổi thói quen đi tiêu