Viêm đại tràng

Bạn thân mến, có phải bạn bị đầy hơi, chướng bụng, táo bón? Nếu vậy thì nhiều khả năng bạn đang mắc bệnh Viêm đại tràng.

Mời bạn đọc bài viết “ Viêm đại tràng ” được các bác sĩ của Doctor Check đơn giản hoá dành riêng cho bạn.

1. Viêm đại tràng là gì?

Viêm đại tràng là tình trạng viêm nhiễm gây tổn thương khu trú hoặc lan tỏa ở niêm mạc đại tràng với nhiều mức độ khác nhau. Đối với mức độ nhẹ thì niêm mạc kém bền vững và dễ chảy máu, nặng thì xuất hiện các vết loét, xung huyết và xuất huyết.

2. Nguyên nhân nào khiến bạn Viêm đại tràng?

Theo các chuyên gia, nguyên nhân bị viêm đại tràng rất đa dạng, bệnh thường khởi phát do những yếu tố như:

Nhiễm khuẩn đường ruột

Viêm đại tràng cấp do nhiễm khuẩn đường ruột thường xuất phát từ ngộ độc thực phẩm hoặc dị ứng thức ăn. Nguyên nhân bao gồm:

  • Vệ sinh thực phẩm và môi trường kém.
  • Ăn thực phẩm nhiễm vi sinh vật gây bệnh.
  • Độc tố từ virus, vi khuẩn, nấm gây tổn thương đại tràng.

Ảnh hưởng của các bệnh lý khác

Người mắc lao phổi, lao thực quản có nguy cơ cao bị viêm đại tràng do vi khuẩn lao xâm nhập đường ruột, gây viêm nhiễm kéo dài dẫn đến tắc ruột, lao ruột.

Tác dụng phụ của thuốc

Một số thuốc như kháng sinh và NSAID nếu dùng lâu dài có thể tiêu diệt lợi khuẩn, làm mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Điều này khiến hại khuẩn phát triển, gây tổn thương và viêm đại tràng. Trẻ nhỏ và người lớn tuổi là hai đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất.

Thói quen sinh hoạt

Viêm đại tràng có thể do căng thẳng, táo bón kéo dài, khó tiêu hoặc thói quen ăn uống thất thường, ăn nhanh, thiếu tập trung.

3. Những triệu chứng nào thường gặp khi bạn bị Viêm đại tràng?

Thông thường, người bị viêm đại tràng sẽ có một hoặc nhiều dấu hiệu, triệu chứng sau:

  • Rối loạn tiêu hoá: đầy hơi, chướng bụng, táo bón, tiêu chảy, mót rặn,… thường là những biểu hiện đầu tiên và dễ nhận thấy nhất khi mắc bệnh.
  • Đau bụng: đau quặn từng cơn hoặc liên tục, thường đau dọc theo khung đại tràng, có thể kèm hoặc không kèm cảm giác muốn đi tiêu trong mỗi cơn đau.
  • Đi tiêu ra máu (phân đỏ hoặc đen): thường gặp ở giai đoạn nặng của bệnh. Nếu chảy máu kéo dài sẽ gây ra tình trạng thiếu máu, người bệnh dễ mệt mỏi, xanh xao,…
  • Các triệu chứng khác: chán ăn, sụt cân,…

4. Làm thế nào để chẩn đoán chính xác bệnh lý Viêm đại tràng?

* Khám lâm sàng 

Bác sĩ sẽ hỏi chi tiết về tình trạng bệnh cũng như bệnh sử của Bạn và người thân để giúp định hướng chẩn đoán. Các câu hỏi thường xoay quanh mức độ, tần suất, thời gian triệu chứng xuất hiện,…

* Xét nghiệm

Bác sĩ sẽ chỉ định Bạn thực hiện các xét nghiệm công thức máu, xét nghiệm phân, để xác định xem Bạn có bị viêm đại tràng hay không, đồng thời loại trừ các bệnh lý liên quan khác.

* Chẩn đoán hình ảnh

Chụp X-quang đại tràng cản quang (sau khi đã thụt tháo làm sạch đại tràng) là kỹ thuật sử dụng chất tương phản bari để phủ lên niêm mạc đại – trực tràng, cho phép bác sĩ gián tiếp đánh giá các bất thường của niêm mạc đại – trực tràng.

Trong một vài trường hợp, bác sĩ chỉ định siêu âm, chụp CT hoặc MRI vùng bụng để xác định vị trí, mức độ xâm lấn và kích thước của vết viêm loét.

* Nội soi đại tràng

Nội soi là phương pháp thông dụng và có độ chính xác cao để chẩn đoán các bệnh lý đại – trực tràng. Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, biểu hiện lâm sàng, kết quả xét nghiệm mà phương pháp nội soi có hoặc không có sinh thiết.

5. Những biến chứng bạn có thể gặp khi Viêm đại tràng kéo dài?

Viêm đại tràng thường dẫn đến các biến chứng sau:

  • Viêm đại tràng mạn tính
  • Phình đại tràng nhiễm độc
  • Thủng đại tràng
  • Ung thư đại – trực tràng

6. Cách điều trị và phòng ngừa bệnh Viêm đại tràng?

* Điều trị viêm đại tràng

Thuốc điều trị viêm đại tràng

Để điều trị viêm đại tràng, bác sĩ thường kê đơn các loại thuốc phù hợp với tình trạng bệnh, bao gồm:

  • Thuốc chống viêm: Giảm sưng tấy tại đại tràng, bao gồm: Corticoid, Aminosalicylates (5-ASA).
  • Thuốc kháng sinh: Được sử dụng khi bệnh do nhiễm khuẩn, như vi khuẩn Clostridium difficile hoặc lỵ amip.
  • Thuốc chống co thắt và giảm đau: Giảm co thắt, đau vùng đại tràng và hỗ trợ cải thiện rối loạn tiêu hóa.
  • Các loại thuốc phối hợp khác:Thuốc trị tiêu chảy, táo bón; thuốc giảm đầy bụng, chướng hơi.

Phẫu thuật điều trị viêm đại tràng

Phẫu thuật thường không phải là cách chữa viêm đại tràng cho hầu hết các nguyên nhân gây bệnh. Chỉ định phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ đại tràng hoặc trực tràng có thể cần thiết nếu các phương pháp điều trị khác không hiệu quả hoặc bệnh diễn tiến nặng.

* Cách giảm nhẹ triệu chứng viêm đại tràng

Một số cách điều trị tại nhà và thay đổi lối sống có thể giúp làm giảm triệu chứng viêm đại tràng, bao gồm:

  • Điều chỉnh chế độ ăn uống: Nên ăn cá, thịt nạc, trứng, ngũ cốc tinh chế, quả bơ, rau củ nấu chín, sữa chua. Hạn chế sữa (trừ sữa chua), thực phẩm nhiều dầu mỡ, chế biến sẵn, chất xơ cao như ngô, hạt. Lưu ý: Bổ sung chất xơ khi táo bón, giảm chất xơ khi tiêu chảy và tham khảo ý kiến bác sĩ để xây dựng thực đơn phù hợp.
  • Chia nhỏ bữa ăn: Ăn 5–6 bữa/ngày thay vì 3 bữa lớn để giảm khó chịu, duy trì cân bằng dinh dưỡng.
  • Uống đủ nước: Hạn chế đồ uống có cồn, caffeine và gas để tránh làm nặng thêm tình trạng tiêu chảy.
  • Xây dựng lối sống lành mạnh: Hạn chế hút thuốc, sắp xếp thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, vận động thường xuyên.
  • Giảm căng thẳng: Căng thẳng làm triệu chứng nặng hơn, nên tập thể dục hoặc thư giãn để hỗ trợ hệ tiêu hóa.

7. Khi nào bạn cần gặp bác sĩ tiêu hoá?

Viêm đại tràng nếu được chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giúp người bệnh giảm khó chịu, phòng tránh được những biến chứng nặng có thể xảy ra trong tương lai. Do đó Bạn cần đến gặp bác sĩ thăm khám nếu có các biểu hiện viêm đại tràng:

    • Đau bụng bất thường, đi tiêu ra máu, thay đổi thói quen đi tiêu như thường xuyên táo bón, tiêu chảy hay mót rặn,…
    • Các triệu chứng khác như sốt cao hoặc ớn lạnh, sụt cân, xanh xao, đau khớp hay phát ban mà không rõ nguyên nhân.

8. Để biết chính xác bạn có bị bệnh Viêm đại tràng và cách điều trị hiệu quả, hãy liên hệ ngay để đặt lịch khám miễn phí cùng bác sĩ tiêu hoá của Doctor Check.